Những đồ cần chuẩn bị cho mẹ trước khi sinh

Quần áo, vật dụng cá nhân và giấy tờ là những gì mà mẹ cần chuẩn bị trước khi nhập viện sinh con, trong đó giấy tờ là quan trọng nhất, vì mẹ cần có giấy tờ để làm thủ tục nhập viện và đóng viện phí.

trước sinh cần chuẩn bị những gì
Trước khi sinh cần chuẩn bị những gì?

Các loại giấy tờ cần mang theo khi nhập viện sinh con

Các giấy tờ cần bản gốc:

– Hộ khẩu của người mẹ;

– Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh của người mẹ;

– Chứng minh thư nhân dân của người thân đi cùng (để nhận bé và chăm sóc bé tại phòng nhi của khoa sinh khi người mẹ phải sinh mổ);

– Sổ tạm trú dài hạn (nơi chấp thuận cho làm giấy khai sinh) của người mẹ;

– Sổ khám thai, phiếu siêu âm, X quang, phiếu xét nghiệm hay bất kỳ loại giấy tờ thăm khám nào mà mẹ đã khám trong thời gian mang thai, bao gồm cả việc thăm khám tại những cơ sở y tế khác bệnh viện mà mẹ chọn để sinh con.

– Thẻ bảo hiểm y tế dán ảnh (nếu có);

– Giấy chuyển viện (nếu có).

Các giấy tờ photo (mỗi loại 2 bản):

– Hộ khẩu của người mẹ;

– Chứng minh nhân dân của người mẹ;

– Thẻ bảo hiểm y tế có dán ảnh (nếu có);

– Thẻ gia hạn bảo hiểm y tế (nếu có);

– Giấy chuyển viện bảo hiểm y tế (nếu có).

Vật dụng cần chuẩn bị cho người mẹ

Nếu sinh thường, người mẹ có thể xuất viện sau 1 – 2 ngày sinh em bé, còn sinh mổ thì lâu hơn, khoảng 5 – 7 ngày để theo dõi biến chứng. Trong thời gian ở viện, mẹ sẽ được phát quần áo theo quy định của bệnh viện, nhưng mẹ vẫn cần tự chuẩn bị thêm nhiều vật dụng cá nhân khác.

trước sinh cần chuẩn bị những gì
Chuẩn bị đồ đạc cho mẹ chuẩn bị sinh con

– Quần áo: Chỉ cần 1 bộ khi xuất viện. Nên chọn loại vải mềm, kiểu dáng rộng rãi thoải mái. Mẹ cũng nên căn cứ vào điều kiện thời tiết để chọn quần áo dày mỏng cho phù hợp. Bộ quần áo này cần phải được giặt sạch sẽ và gấp gọn trước khi mẹ nhập viện.

– Tất chân (vớ): Có thể từ 5 – 7 đôi phòng khi mẹ sinh mổ phải ở bệnh viện lâu. Nếu trời lạnh thì nên dùng tất cổ dài, loại dày để giữ ấm cho chân.

– Quần lót: Khoảng 10 chiếc loại dùng 1 lần để đỡ phải giặt.

– Mũ đội đầu và khăn quàng cổ: Mỗi loại 1 cái.

– Bỉm người lớn: 3 – 4 miếng dùng những ngày đầu sau sinh, vì lúc đó sản dịch ra rất nhiều.

– Băng vệ sinh: 1 gói.

– Các đồ dùng cá nhân khác: Khăn rửa mặt, bàn chải răng, kem đánh răng, nước súc miệng, dầu gội khô.

Ngoài ra, mẹ cũng nên tham khảo trước xem bệnh viện có dịch vụ cung cấp phích nước hay không, nếu không có thì phải mang thêm từ nhà đi.

Cần chuẩn bị gì cho em bé khi mẹ nhập viện?

Sau khi chào đời, em bé sẽ được quấn tã của bệnh viện, song cũng có bệnh viện không có sẵn tã mà người mẹ phải chuẩn bị trước ở nhà. Tất cả các loại quần áo, khăn và chăn của bé đều phải được giặt sạch sẽ và gấp gọn lại.

– Quần áo dài tay loại cho trẻ sơ sinh: 3 bộ để bé mặc ở viện và mặc khi ra viện.

– Bao tay, bao chân loại vải cotton mềm: 2 bộ.

– Mũ đội đầu, mũ che thóp cho bé: Mỗi loại 1 chiếc.

– Khăn quấn cho bé: 2 chiếc.

– Chăn ủ ấm bé: 1 chiếc.

– Rơ lưỡi: 5 – 7 chiếc.

– Băng rốn: 4 – 5 chiếc.

– Bông y tế: 1 gói.

– Nước muối sinh lý: 1 lọ nhỏ, mua ngoài hiệu thuốc để rửa mắt mũi cho bé.

– Khăn sữa: Chuẩn bị nhiều, khoảng 10 chiếc.

– Tã giấy hoặc bỉm trẻ sơ sinh: 1 bịch.

– Quần đóng bỉm: 4 – 6 chiếc.

– Giấy ướt: 1 gói.

– Các vật dụng khác: Bình sữa, cốc, thìa, sữa bột để cho bé bú nếu sữa mẹ chưa về.

trước sinh cần chuẩn bị những gì
Đồ dùng, vật dụng cần chuẩn bị cho em bé

Nên chuẩn bị đồ trước sinh từ khi nào?

Khi đi khám, mẹ sẽ được bác sĩ thông báo cho ngày dự sinh, nhưng thực tế thì mẹ có thể sinh trước hoặc sau ngày dự sinh này. Với những mẹ sinh con so, thời gian sinh thường khá sớm. Do đó, các vật dụng cần thiết nên được chuẩn bị từ tuần thứ 35 của thai kỳ.

Khi sắp xếp đồ, mẹ cần gấp gọn vào giỏ, phân loại theo thứ tự và chủng loại. Nếu có thể, mẹ có thể gói chúng vào ngăn, túi riêng rồi dán nhãn để người thân không bị nhầm lẫn.

Giấy tờ tùy thân là thứ quan trọng nhất, cần chuẩn bị đầy đủ, bỏ riêng vào túi đựng hồ sơ rồi để trong giỏ đồ sinh, không để riêng vì khi chuyển dạ, nhập viện cả gia đình sẽ cuống lên rồi quên mất.

Nếu nhà mẹ gần bệnh viện thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Các đồ đạc của cả mẹ và bé sẽ chỉ cần mang rất ít, sau đó có thể về nhà lấy thêm để tránh mang vác đồ đạc cồng kềnh khi vào viện.

Ngoài những giấy tờ, vật dụng này, gia đình còn phải chuẩn bị một số tiền để đóng viện phí, với sinh thường là 3 – 5 triệu đồng, sinh mổ từ 5 – 10 triệu đồng. Tâm lý người mẹ lúc này cũng rất quan trọng, cần có gia đình bên cạnh trấn an để họ bớt sợ hãi, lo lắng và sinh con an toàn.

 

Đừng để con THIẾU SỮA ngay khi mới được sinh ra hay đến khi mẹ KHÔNG ĐỦ SỮA CHO CON mới cuống cuồng tìm biện pháp để lấy lại sữa mẹ!

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Mẹ nên cho bé bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời để trẻ có thể hoàn thiện sức đề kháng, hệ tiêu hóa và trí thông minh. Không một sản phẩm nào có thể thay thế sữa mẹ.